Site icon Học Viện Phát Triển Ngôn Ngữ SPEECH

Trẻ Chậm Nói Vì Học Nhiều Ngôn Ngữ?

1. Trẻ chậm nói vì học nhiều ngôn ngữ khi còn nhỏ?

Cha mẹ định hướng sớm cho con học hai ngôn ngữ khi còn nhỏ

Với lợi thế của ngoại ngữ trong thời đại ngày nay (đặc biệt là tiếng Anh), nhiều cha mẹ đã có dự tính rèn luyện cho con nói được hai ngôn ngữ từ khi trẻ còn nhỏ. Cách nuôi dạy con này là hợp lý bởi vì nói được nhiều ngôn ngữ giúp con có nhiều cơ hội hơn trong tương lai về giáo dục, công việc.

Trên thực tế, các bé đều bắt đầu nói những từ đầu tiên khi chúng ở độ tuổi 1 tuổi. Đến 2 tuổi, bé sẽ nói được các cụm từ và 2 chữ trở lên. Tuy nhiên, trẻ học hai ngôn ngữ có thể nói từ đầu tiên chậm hơn một chút so với trẻ nói một ngôn ngữ, nhưng vẫn trong độ tuổi tập nói thông thường (từ 8 – 15 tháng). Bản thân việc học hai ngôn ngữ không hề gây chậm nói. Nhưng nếu một đứa trẻ học hai ngôn ngữ có dấu hiệu chậm nói, trẻ có thể đã chậm nói.

Trẻ trong độ tuổi từ 0-3 tuổi chưa thực sự trôi chảy ngôn ngữ mẹ đẻ, vì thế việc học tiếng Anh sẽ khiến trẻ tiếp thu một cách vô thức và sự pha trộn giữa hai ngôn ngữ Anh – Việt. Trẻ học hai hoặc ba ngôn ngữ cùng lúc thì có thể dẫn tới hiện tượng trộn lẫn ngôn ngữ, phát âm chưa chuẩn khiến người nghe sẽ khó hiểu và đây cũng không phải biểu hiện của sự phát triển lạ thường nào.

Về sau, khi trẻ bắt đầu hình thành những câu ngắn, trẻ sẽ phát triển khả năng ngữ pháp theo phương thức và độ tuổi giống hệt với trẻ chỉ học một ngôn ngữ. Cho đến khi trẻ lên 4 tuổi, trẻ sẽ ý thức được bản thân sử dụng ngôn ngữ nào trong trường hợp nào, hoàn cảnh nào.

Kết luận: Trẻ học hai, ba ngôn ngữ không phải là nguyên nhân dẫn đến chậm nói. Thông thường trẻ sống trong môi trường nhiều ngôn ngữ sẽ nói từ đầu tiên chậm hơn so với trẻ sống trong môi trường một ngôn ngữ.

Xem thêm:

2. Trẻ chậm nói và môi trường đa ngôn ngữ

Môi trường đa ngôn ngữ có thể làm trầm trọng hơn tình trạng chậm nói ở trẻ chậm nói

Nói một cách ngắn gọn, trẻ được giáo dục trong môi trường hai ngôn ngữ (hoặc ba ngôn ngữ) chưa hẳn là nguyên nhân gây nên chậm nói (Cha mẹ muốn hiểu hơn về chứng chậm nói có thể tham khảo qua bài viết các dấu hiệu trẻ chậm nói cần chú ý). Nhưng nếu một đứa trẻ bẩm sinh có gen sinh học về chậm nói, nói dễ hiểu là vùng não liên quan đến khả năng ngôn ngữ của trẻ yếu hơn, mà trẻ lại sống trong môi trường đa ngôn ngữ: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Hàn, thì môi trường này sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng chậm nói của trẻ.

Ngoài ra, việc học 2 hoặc 3 ngôn ngữ cũng là một thách thức cho trẻ khi còn nhỏ. Đặc biệt là khi cha mẹ có sự bất hòa trong việc thống nhất ngôn ngữ trong nuôi dạy cho trẻ, ngôn ngữ ở nhà khác với ngôn ngữ ở trường, một số trẻ có thể trở nên áp lực và lo lắng, với trẻ nhỏ khi có tâm lý lo lắng thì trẻ thường bộc lộ về mặt hành vi tăng động, ví dụ: chạy nhảy nhiều, mất kiểm soát cảm xúc,…

Xem thêm vì sao trẻ chậm nói của Speech

Trên thực tế, trong gia đình hai ngôn ngữ (mẹ nói tiếng Việt, cha thì nói tiếng Hàn) có hai con: một bé lớn trong môi trường hai ngôn ngữ vẫn ổn, bé vẫn tiếp thu được cả hai ngôn ngữ (hiểu và nói được hai ngôn ngữ của cha mẹ), thậm chí trẻ còn có thể học được ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh ở trên trường.

Trong khi đó, cùng một gia đình như thế với cùng một cách giáo dục và môi trường như thế nhưng đứa con nhỏ thì gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận và phát triển ngôn ngữ. Nguyên nhân có thể nằm ở chỗ khả năng tiếp thu của mỗi đứa trẻ là khác nhau.

Cho đến hiện tại, vẫn chưa có một thống kê, nghiên cứu nào cụ thể về vấn đề này, nhưng thực tế trong quá tình làm việc hơn 10 năm của chuyên gia Trần Thị Diễm, đa phần trẻ chậm nói ở thành phố Hồ Chí Minh thường sống trong môi trường đa ngôn ngữ và học ở trường song ngữ, đơn ngữ. Nếu trẻ có bộ gen sinh học chậm ngôn ngữ mà gặp môi trường đa ngôn ngữ sẽ làm cho việc phát triển ngôn ngữ gặp nhiều khó khăn hơn.

3. Trong trường hợp này thì giải pháp nào là tốt?

Cha mẹ nên lựa chọn cho trẻ phát triển một ngôn ngữ là thế mạnh của trẻ, hạn chế ngôn ngữ khác cho tới khi trẻ thành thạo một ngôn ngữ. Nếu mẹ là người Việt, cha là tiếng Hàn, trẻ dự định sẽ đi học môi trường tiếng Anh hoặc song ngữ trong tương lai, cha mẹ nên:

– Lựa chọn cho con một ngôn ngữ ưu thế đối với con hoặc ngôn ngữ thông dụng nơi con sống.
Ở giai đoạn đầu bé chưa có nhiều ngôn ngữ và gặp khó khăn trong giao tiếp, cha mẹ nên lựa chọn tiếng mẹ đẻ (Tiếng Việt) để dạy con, đồng thời hạn chế để bé tiếp xúc với tiếng Hàn và tiếng Anh khi bé đang chậm nói.

– Thời gian sau, khi bé đã nói được tiếng Việt tốt, thì cha mẹ bắt đầu cho bé tiếp cận ngôn ngữ thứ hai, ví dụ như tiếng Hàn. Ở giai đoạn này, cha mẹ hãy để trẻ tiếp cận tiếng Hàn như một ngôn ngữ mới.

– Giai đoạn trẻ tới tuổi đi học (ví dụ như lớp 1), sau khi bé đã thông thạo được 2 ngôn ngữ rồi thì bé sẽ dễ dàng tiếp nhận thêm một ngôn ngữ mới.

Đối với trẻ chậm nói sống trong môi trường đa ngôn ngữ, chuyên gia của SPEECH sẽ tư vấn và giúp cha mẹ vạch ra lộ trình phát triển ngôn ngữ phù hợp với từng giai đoạn của trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng tiên quyết là trẻ chậm nói cần được hỗ trợ càng sớm càng tốt bằng một ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ). Khi trẻ được hỗ trợ kịp thời trong giai đoạn đầu chậm nói, trẻ sẽ dễ dàng phát triển thêm ngôn ngữ mới.

Liên hệ với SPEECH để nhận được đánh giá về tình trạng của trẻ và được tư vấn cụ thể hơn.

Exit mobile version