Nuôi dạy một đứa trẻ đã là một hành trình vất vả, nuôi dạy một đứa trẻ đặc biệt lại còn khó khăn và thử thách hơn rất nhiều. Kể từ khoảnh khắc cha mẹ bắt đầu nhận ra con của mình có những sự khác biệt rõ rệt so với những đứa trẻ đồng trang lứa, đó cũng là những ngày tháng mà cha mẹ bắt đầu lo lắng và bất an về hiện tại và tương lai của con.
1. Hiểu về trẻ đặc biệt
Trẻ đặc biệt là trẻ gặp phải các khiếm khuyết, hạn chế về quá trình phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ.
Trẻ đặc biệt là thuật ngữ được sử dụng chung cho các trường hợp trẻ gặp phải các khiếm khuyết, hạn chế về quá trình phát triển thể chất, tinh thần và trí tuệ. Tình trạng này gây ra nhiều cản trở đối với sức khỏe, đời sống sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Trẻ đặc biệt được phân chia thành các nhóm khác nhau như:
- Trẻ khuyết tật về thể lý hay còn gọi là khuyết tật về các giác quan: Khiếm thính, khiếm thị, bại não,…
Đối với trẻ nhỏ, việc tiếp thu và học hỏi thông tin chủ yếu qua các giác quan như nghe, nhìn, ngửi, nếm, chạm. Do đó, nếu trẻ nhỏ bị hạn chế và khiếm khuyết về giác quan thì thông tin không được chuyền tải lên tế bào thần kinh, trẻ khó có thể tập trung, phân tích, ghi nhớ và nhận thức tốt như bình thường. - Trẻ khuyết tật về tâm lý, nhận thức, tư duy sẽ bao gồm những trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ chậm nói, trẻ chậm phát triển trí tuệ,…
Trẻ đặc biệt chỉ là một thuật ngữ chung để nói về những tình trạng liên quan đến những khiếm khuyết của trẻ nhỏ. Thông thường, khi nhắc đến khái niệm này, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trẻ tự kỷ hay những đứa trẻ chậm phát triển có những sự hạn chế to lớn về hành vi, nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp, tư duy,…
Tháng 1/2019, Tổng cục Thống kê công bố Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên (chiếm khoảng 6,5% dân số). Trong đó có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra (theo báo tuổi trẻ). Trong số 1 triệu người tự kỷ tại Việt Nam, phần lớn thường được phát hiện muộn, trẻ không nhận được sự chăm sóc, trị liệu hoặc giáo dục phù hợp kịp thời, do đó việc can thiệp sau này gặp phải nhiều khó khăn hơn.
Mặc dù mỗi trẻ đặc biệt có thể gặp nhiều khó khăn khác nhau và nhiều mức độ khác nhau nhưng nhìn chung trẻ nhỏ vẫn sẽ chịu ảnh hưởng từ môi trường đời sống xung quanh. Chính vì thế Học viện Speech luôn khuyến khích cha mẹ can thiệp sớm cho trẻ đặc biệt để giúp trẻ cải thiện và nâng cao các chức năng bị hạn chế, tăng tính thích ứng với xã hội càng sớm càng tốt.
2. Đối mặt với khủng hoảng khi gia đình có trẻ đặc biệt
Cha mẹ trải qua một sự phức tạp về tâm lý khi biết con mình là trẻ đặc biệt.
Từ khoảnh khắc nhận ra con mình là trẻ đặc biệt, cha mẹ có thể trải qua một sự phức tạp về tâm lý: khó chấp nhận, tự ti, chán nản, sợ hãi, đau khổ, suy sụp, bất lực, tuyệt vọng,… Từ những suy nghĩ và thái độ đó đã gây không ít khó khăn trong việc trị liệu cho con như: can thiệp muộn, can thiệp không đúng cách.
Cuối cùng các phương pháp không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đứng trước những nỗ lực đã bỏ ra nhưng không hề nhìn thấy bất kỳ tiến triển nào, cha mẹ dễ buông xuôi, bỏ mặc không chăm sóc, không giáo dục, tuyệt vọng và đầu hàng trước tình trạng của con.
Học viện Phát triển Ngôn ngữ Speech nhận ra rằng: Song song với việc hỗ trợ cho con thì tâm lý của cha mẹ là yếu tố rất cần được quan tâm và nâng đỡ, đây cũng là một phần rất quan trọng trong quá trình trị liệu cho trẻ. Cha mẹ chính là giải pháp cho những đứa con của mình, đó cũng là một trong những yếu tố mà học viện Speech luôn luôn quan tâm.
Trong bài viết này, Học viện Speech muốn giúp các quý cha mẹ hiểu hơn về khủng hoảng tâm lý mà cha mẹ đã và đang trải qua. Kể từ thời điểm cha mẹ bắt đầu nhận được đánh giá và nuôi dạy trẻ đặc biệt, cha mẹ thường phải đương đầu với một loạt cảm giác phức tạp, thay đổi hành vi và các triệu chứng về thể chất. Những biểu hiện này cùng với khủng hoảng tâm lý mà cha mẹ đang trải qua, cha mẹ dễ cảm thấy căng thẳng, mất phương hướng, bối rối và mất cân bằng.
Các biểu hiện liên quan đến khủng hoảng tâm lý bao gồm:
- Thay đổi về thể chất: Thiếu năng lượng, chán ăn, đau đầu, cơ thể căng thẳng, các vấn đề về tiêu hóa.
- Thay đổi hành vi: Gia tăng các giai đoạn thất vọng và tức giận, xuất hiện sự cô lập, khó ngủ hoặc ngủ nhiều hơn, khó tập trung.
- Thay đổi cảm xúc: Tuyệt vọng, bất lực, buồn bã, tê liệt, sợ hãi, tội lỗi, tức giận và lo âu.
Đối mặt với khủng hoảng tâm lý, cha mẹ thưởng trải qua 7 giai đoạn, các giai đoạn này không nhất thiết phải xảy ra theo đúng trình tự, một giai đoạn có thể xảy ra nhiều hơn một lần. Các giai đoạn có thể khác nhau tùy theo từng người.
Sốc và phủ nhận
Cha mẹ sốc và không thể tin vào mắt mình khi nhận được đánh giá/chẩn đoán về con.
Sốc là phản ứng đầu tiên bất cứ cha mẹ nào gặp phải khi nhận được đánh giá của con mình, cho dù trước đó cha mẹ đã có linh cảm về việc con mình thuộc trẻ đặc biệt. Phản ứng sốc hoạt động như một hệ thống phòng vệ của não và cơ chế này có thể khiến cha mẹ phủ nhận việc con mình có sự hạn chế về phát triển, điều này xảy ra như một điều giúp cho cha mẹ không bị gục ngã.
Hiện tượng này thường hay xảy ra khi cha mẹ cố gắng xử lý một vấn đề quá sức: không thể tưởng tượng được và không thể chấp nhận được ở thời điểm hiện tại.
Phản ứng sốc và phủ nhận thường đi cùng với nhau, phủ nhận là cơ chế phòng vệ (defense mechanism) thông thường giúp cha mẹ đương đầu với hiện thực con mình là trẻ đặc biệt. Cha mẹ có thể trải qua giai đoạn từ chối việc tin vào những điều xảy đến với con của mình. Sự phủ nhận giúp họ có thời gian để hiểu chuyện gì đang xảy ra và từ từ thích nghi với hiện tại mới.
Ngay sau khi có đánh giá/chẩn đoán, cha mẹ có thể cảm thấy choáng váng hoặc bối rối. Thực tế, cha mẹ có thể quá sốc và chưa sẵn sàng để chấp nhận hiện thực. Cha mẹ cũng có thể đặt nghi vấn về đánh giá/chẩn đoán này và tìm đến một nơi khác để hy vọng có một đánh giá tốt hơn. Trong giai đoạn này, cảm giác “tê liệt” về cảm xúc cũng rất phổ biến.
Một số cha mẹ có thể trải qua giai đoạn này như thể: họ đang quan sát cuộc sống của những gia đình bình thường khác hiện lên trước mắt họ như một cuốn phim hoặc như thể họ đang tách rời khỏi thực tế của những gì đã xảy ra.
Đau buồn & Tội lỗi
Cha mẹ đau buồn khi biết con của mình là trẻ đặc biệt.
Ở vai trò cha mẹ, chứng kiến con mình có vấn đề về phát triển là điều rất đau lòng. Một số cha mẹ có thể tin rằng: lẽ ra họ có thể làm được nhiều hơn để giúp con vượt qua, cuối cùng kết quả thu về lại không như mong đợi. Có những cha mẹ bắt đầu cảm thấy tội lỗi, họ nghĩ về những điều họ có thể hoặc đáng lẽ ra phải làm cho con trong quá khứ (ngay cả khi điều đó là vô lý).
Trong giai đoạn này, cha mẹ thường tìm kiếm, tự đặt vô vàn về lý do vì sao con của mình lại như vậy và tự hỏi liệu họ có thể làm điều gì đó để con trở nên tốt hơn, hoặc họ có thể thấy hối hận vì đã không nhận ra sớm hơn. Mặc dù những cảm giác trở nên quá mạnh mẽ nhưng chúng là những cảm xúc tự nhiên liên quan đến đau buồn và là một phần của quá trình đau buồn.
Tức Giận & Mặc Cả
Nỗi đau đớn quá lớn khiến cha mẹ tức giận và “mặc cả” với Thượng Đế.
Khi cha mẹ đối diện với đánh giá/chẩn đoán của con, họ có nhiều cảm xúc và suy nghĩ khó xử lý, tức giận là cảm xúc mà cha mẹ cũng thường xử lý trong hoàn cảnh này. Cha mẹ có thể tức giận với chính mình, cảm thấy sự oán giận đối với cha mẹ của trẻ bình thường. Những người khác có thể có cảm giác tức giận hướng tới Chúa hoặc một quyền lực cao hơn – những thế lực mà họ tin đã khiến cho con của họ như vậy.
Một số suy nghĩ thường thấy của cha mẹ trong giai đoạn này có thể kể đến như: “Tại sao cuộc đời nghiệt ngã như vậy? Tại sao con của tôi lại là trẻ đặc biệt? Ông trời không công bằng,…”
Sự tức giận của cha mẹ có thể được biểu lộ theo những cách khác nhau – phản ứng thái quá với những điều nhỏ nhặt, thậm chí la hét. Sự căng thẳng và sự tức giận thường đi cùng với nhau, việc thể hiện ra ngoài sự tức giận có thể giải tỏa căng thẳng cho họ. Các chuyên gia về đau buồn đã nghiên cứu nguồn gốc của sự tức giận có thể bao gồm:
- Tức giận vì bị bỏ rơi (hoặc khiến người khác bị bỏ rơi);
- Tức giận vì mức độ đau đớn quá cao;
- Tức giận vì cuộc sống đã thay đổi;
- Tức giận vì khó khăn đương đầu với đau buồn;
- Tức giận vì thế giới đột nhiên trở nên khác biệt, trống rỗng, không an toàn hoặc cô đơn.
Trong thời gian này, cha mẹ có thể cố gắng “mặc cả” để có cơ hội thay đổi tình cảnh hiện tại của gia đình với điều gì đó. Đây được xem giống như một nỗ lực cố gắng lấy lại cảm giác kiểm soát hoàn cảnh, sau cảm giác bất lực và tức giận. Những suy nghĩ thông thường của các cha mẹ có con là trẻ đặc biệt là:
- Nếu con của tôi tốt hơn thì tôi sẽ ăn chay
- Nếu con của tôi nói được, thì tôi sẽ đi làm từ thiện
Hầu hết, những người ở giai đoạn “mặc cả” thường không tìm được giải pháp có thể chấp nhận được. Cuối cùng, họ nhận ra rằng kết quả mà họ hy vọng sẽ không xảy ra. Cha mẹ cố gắng “mặc cả” với một quyền lực cao hơn, một người khác hoặc để giảm bớt sự tức giận và tiến gần hơn đến sự chấp nhận. Giai đoạn này thường không kéo dài lâu như những giai đoạn khác vì cuối cùng mọi chuyện trở nên rõ ràng rằng những gì họ hy vọng sẽ không xảy ra.
Trầm Cảm
Cha mẹ dễ rơi vào trầm cảm khi nhìn thấy sự bất lực và tuyệt vọng ở phía trước.
Sau khi cơn giận dữ và sự tuyệt vọng của việc “mặc cả” bắt đầu lắng xuống, cha mẹ thường bắt đầu suy ngẫm về con. Sau một khoảng thời gian trôi qua, hiện thực khó khăn của việc nuôi dạy một đứa trẻ đặc biệt hiện hữu rõ ràng, thì sự cô đơn, sầu não, trống rỗng có thể bắt đầu lộ diện, dường như họ không thể cảm nhận được niềm vui từ bất kỳ điều gì.
Khi những cảm xúc này bắt đầu, nhiều người chọn “rút lui” khỏi người khác (triệu chứng xã hội của sự đau buồn) và nói rằng họ muốn giải quyết mọi việc một mình. Mặc dù thời gian ở một mình là tốt cho tất cả mọi người, nhưng điều quan trọng là phải dành thời gian cho người khác trong quá trình đau buồn này.
Trong giai đoạn này, cha mẹ thường bắt đầu suy ngẫm nhiều về con của mình: Lo cho tương lai của con, lo không biết bản thân có đủ sức đồng hành cùng con, có chịu được sự dèm pha của người khác, con càng lớn thì càng lo sợ con không hòa nhập được với xã hội. Nhiều cha mẹ cảm thấy hụt hẫng vì mất hết hy vọng, mong đợi và mơ ước mà họ dành cho con của mình.
Nếu bạn cảm thấy quá đau buồn nhưng không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bạn bè hoặc những người thân yêu khác, Speech có thể đồng hành cùng bạn để vượt qua khoảng thời gian khó khăn. Với vai trò là cha mẹ của trẻ đặc biệt, đồng thời cũng là chuyên gia tại Speech, Speech phần nào có thể hiểu được tâm trạng của bạn và rất sẵn lòng lắng nghe bạn.
Bước Ngoặc Đi Lên
Cha mẹ bắt đầu thay đổi suy nghĩ và tâm trạng để thích nghi với hoàn cảnh thực tế mới.
Trong giai đoạn này, cha mẹ bắt đầu thích nghi với cuộc sống nuôi dạy trẻ đặc biệt. Thông thường, các cảm xúc mãnh liệt ban đầu và các triệu chứng về thể chất liên quan đến đau buồn bắt đầu mờ nhạt. Điều này không có nghĩa là cha mẹ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm ngay lập tức, khoảng thời gian này giống như một bước ngoặc chuyển giao, đánh dấu sự thay đổi để thích nghi của cha mẹ trong hoàn cảnh mới: bớt đau hơn một chút, bớt buồn hơn một chút và có nhiều cảm xúc tích cực hơn.
Trong cuộc sống gia đình, cha mẹ có xu hướng cảm thấy bình tĩnh hơn, hy vọng hơn về cuộc sống và bắt đầu tìm thấy một một chút bình yên nào đó liên quan đến việc nuôi dạy trẻ đặc biệt. Giai đoạn này không quá khó khăn vì mang lại cho cha mẹ cảm giác nhẹ nhõm và hy vọng rằng họ có thể xây dựng cuộc sống mới sau này.
Tái Thiết Lập & Vượt Qua
Trong quá trình tái thiết lập và vượt qua khủng hoảng, cha mẹ bắt đầu vượt qua nỗi đau. Giai đoạn này cũng là một phần của quá trình xử lý khủng hoảng như tất cả những giai đoạn khác. Tuy nhiên, mọi chuyện dường như sẽ rẽ sang một hướng khác vì trong giai đoạn này, cha mẹ có thể bắt đầu cảm thấy kiểm soát được cuộc sống của mình trở lại.
Vì thế, họ dường như có thêm năng lượng và khát khao mới để bắt đầu tiến về phía trước bằng cách tìm kiếm ý nghĩa bằng những hành động cụ thể để giành lại quyền kiểm soát. Ở đây mọi người bắt đầu quản lý cuộc sống của mình và có thể cảm thấy muốn kết nối lại với mọi người một lần nữa.
Chấp Nhận & Hy Vọng
Cuối cùng, cha mẹ chấp nhận & đồng hành cùng con giúp con cải thiện.
Chấp nhận và hy vọng là giai đoạn cuối cùng trong quá trình. Cha mẹ chấp nhận tình trạng và bước đi cùng con, hiểu rằng con đường phía trước có thể vô vàn khó khăn thách thức, ngay cả đối với một gia đình hòa hợp nhất. Mặc dù trẻ đặc biệt không bao giờ trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực liên quan đến đánh giá, còn cha mẹ, anh chị em và các thành viên khác trong gia đình có thể trải qua những cảm xúc khác nhau khi biết về đánh giá/chẩn đoán của con.
Giai đoạn này đi kèm với cảm giác lạc quan từ việc đánh giá cuộc sống thực tế cùng với sự hiểu biết sâu sắc về tình trạng của con mình. Cha mẹ cho phép mình lập kế hoạch cho tương lai của trẻ và của gia đình. Cha mẹ đã học được cách chăm sóc cho trẻ và bản thân, bắt đầu tiến về phía trước.
Nỗi đau và nỗi buồn gắn liền với đánh giá của trẻ vẫn còn, tuy nhiên, họ nhận ra rằng họ có quyền tạo ra một cuộc sống khác mang lại cho mình sự hài lòng ở mức độ nào đó. Hành trình vượt qua khủng hoảng dài hay ngắn tùy thuộc vào sự nhận thức và ý chí nghị lực của cha mẹ.
Lời khuyên cho cha mẹ là hãy cho bản thân mình thời gian để điều chỉnh. Hãy kiên nhẫn với bản thân. Phải mất một khoảng thời gian để hiểu rối loạn của con và tác động của chúng đối với cha mẹ và gia đình. Cảm xúc khó chịu có thể xuất hiện nhiều lần. Có thể có những lúc cha mẹ cảm thấy tức giận và bất lực vì cuộc sống khó khăn hiện tại khác xa với những gì họ mong đợi, nhưng cha mẹ cũng sẽ trải nghiệm những cảm giác hy vọng khi con bắt đầu tiến bộ.
Trên thực tế, các giai đoạn này không phải lúc nào cũng xảy ra theo thứ tự. Một số cha mẹ có thể sẽ không trải qua tất cả giai đoạn, trong khi đó người khác có thể trải qua một giai đoạn nhiều lần và cũng không có khung thời gian cố định cho mỗi giai đoạn. Các giai đoạn mà Speech đưa ra chỉ đơn giản là một công cụ giúp cha mẹ hiểu và dự đoán được những điều mà họ đã, đang và sẽ trải qua.
3. Cha mẹ nên làm gì?
Cảm nhận được sự thấu hiểu và yêu thương sẽ giúp trẻ đặc biệt thay đổi và phát triển.
– Chấp nhận, yêu thương và đối đầu thử thách cùng con
Thay vì tập trung vào điều mà con không thể làm được, điều mà con khác với những đứa trẻ ngoài kia, hãy chấp nhận tình trạng của con lúc này. Đừng so sánh con, vì con bạn là một đứa trẻ đặc biệt, nên hãy yêu thương theo cách thật đặc biệt và bạn sẽ thấy điều tuyệt vời từ con. Hơn thế nữa, việc chấp nhận những gì đang xảy ra cho phép cha mẹ bình tĩnh lại, suy nghĩa và tìm thấy giải pháp tốt nhất cho con và cho chính mình nữa. Cảm thấy được sự yêu thương và chấp nhận vô điều kiện, con cũng có nhiều cơ hội trở lại bình thường hơn.
Cho đến thời điểm hiện tại, có khá nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích nguyên nhân của trẻ đặc biệt. Các giả thuyết được đưa ra để xem xét, tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích chính xác nguồn gốc của các tình trạng của trẻ đặc biệt là do đâu. Việc cố tìm hiểu nguyên nhân thường không giúp ích nhiều mà chỉ gây thêm sự căng thẳng cho bản thân bố mẹ và gia đình.
– Tìm kiếm sự hỗ trợ giúp đỡ của người khác (bạn bè, các tổ chức…)
Nuôi dạy trẻ đặc biệt yêu cầu nhiều kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Đồng hành cùng con trên chặng đường phát triển nhiều lúc sẽ khiến cha mẹ kiệt quệ sức lực và tinh thần, những lúc như vậy cha mẹ nên tìm kiếm sự hỗ trợ của người khác hoặc dịch vụ hỗ trợ uy tín. Điều này sẽ giúp cha mẹ giảm bớt những căng thẳng và băn khoăn trong việc chăm sóc con và cuộc sống, đồng thời cũng giúp học hỏi được cách nuôi dạy con.
Lắng nghe và trò chuyện với những người đã và đang trải qua kinh nghiệm tương tự là điều rất hữu ích, họ có thể là nguồn khích lệ động viên to lớn cho cha mẹ, cũng là nguồn thông tin giúp cha mẹ hiểu về những trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ đặc biệt.
– Tham gia các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về cách nhận biết, chăm sóc, can thiệp, giáo dục cho trẻ đặc biệt
Thực tế cho thấy, những cha mẹ nào có kiến thức, suy nghĩ và sống tích cực thì kết quả can thiệp của con khả quan hơn. Hiện nay có rất nhiều khóa học về can thiệp trẻ đặc biệt, cha mẹ có thể tham gia một số khóa học để nâng cao kiến thức.
Học viện Phát triển Ngôn ngữ Speech rất quan tâm đến điều này, khi trẻ đến Học viện để được chuyên gia hỗ trợ, cha mẹ được phép tham gia học cùng con, được chứng kiến chuyên gia hỗ trợ con. Đây là cách giúp cha mẹ học hỏi thêm được kinh nghiệm chăm sóc, chơi với con. Chứng kiến những tiến bộ của con từng ngày, dù chỉ là nhỏ nhặt với người khác nhưng cũng đủ để làm các cha mẹ vui mừng, có thêm động lực cùng con phấn đấu.
– Trở thành chuyên gia của con
80% thành công trong trị liệu phụ thuộc vào sự đóng góp nuôi dạy của cha mẹ, 20% là công lao của các nhà trị liệu. Bởi vì cha mẹ mới là người gần gũi gắn kết yêu thương với con, đồng thời là người kết nối và giao tiếp nhiều với con. Từ đó, cha mẹ hiểu rõ các khó khăn mà con đang gặp phải như: Con sợ điều gì? Điều gì làm con căng thẳng? Điều gì làm con thoải mái, vui vẻ,…?
Hành động nào mà con hay làm? Con đang muốn nói điều gì? Những kiến thức được tích lũy từ tình yêu thương và sự bền bỉ sẽ khiến con của bạn thay đổi và phát triển. Càng hiểu rõ về vấn đề của con, cha mẹ càng có nhiều cơ hội can thiệp giúp đỡ con vượt qua.
– Thích nghi với con
Cha mẹ có con là trẻ đặc biệt buộc phải thay đổi các hoạt động sống của mình và gia đình nhằm phù hợp với điều kiện chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Đồng thời cha mẹ cũng thay đổi hàng loạt thói quen, sở thích, nhu cầu của cá nhân của mình và gia đình; thích nghi với vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình, ngoài xã hội và đặc biệt là trách nhiệm nuôi dạy trẻ đặc biệt của mình. Sự thay đổi có thể sẽ mang lại nhiều căng thẳng nên giai đoạn chuyển đổi này cần thời gian, cha mẹ cũng cần được chăm sóc về tinh thần nhiều hơn.
4. Lựa chọn trung tâm can thiệp uy tín
– Đưa trẻ đến các trung tâm đánh giá và can thiệp trẻ đặc biệt
Việc lựa chọn cơ sở, trung tâm đánh giá cho con là điều rất quan trọng. Thông thường các cơ sở, trung tâm đánh giá cho trẻ bằng bộ công cụ của mình, các chuyên gia sẽ đánh giá xem trẻ đang gặp vấn đề nào, trẻ đang ở mức độ nào, thiếu hụt những chức năng gì. Tuy nhiên kể cả bộ công cụ tốt nhất cũng trở nên vô nghĩa nếu người đánh giá không được đào tạo và không có kinh nghiệm phù hợp. Việc đánh giá trẻ đặc biệt có thể được thực hiện bởi các nhà tâm lý học, nhà thần kinh học, bác sỹ nhi khoa, bác sỹ tâm thần…
Những người làm công việc đánh giá/chẩn đoán cần có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm (đã được giám sát và chuẩn hóa) về đánh giá các vấn đề của trẻ đặc biệt. Kiến thức và kỹ năng của người đánh giá/chẩn đoán đóng vai trò quan trọng để giúp phát hiện sớm các vấn đề ở trẻ cũng như đưa ra liệu pháp can thiệp phù hợp nhất với trẻ.
– Giúp cha mẹ hiểu được nguyên tắc trong can thiệp
+ Can thiệp càng sớm càng tốt: Sau khi nhận được đánh giá, trẻ cần được can thiệp sớm. Can thiệp sớm là xây nền tảng để cho con tiếp tục phát triển. Điều này sẽ làm gia tăng cơ hội trẻ có thể học tập và sinh hoạt như bình thường trong quá trình lớn lên.
+ Can thiệp toàn diện: Bao gồm chương trình can thiệp hành vi, ngôn ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, chơi trị liệu và can thiệp tại nhà.
– Việc hỗ trợ can thiệp cho con là lâu dài
Can thiệp cho trẻ đặc biệt là một quá trình cần sự kiên nhẫn và nỗ lực. Ở vị trí cha mẹ, việc mong đợi con mình có thể nói được, chơi được, học được như các bạn đồng trang lứa không có gì sai cả. Tuy nhiên mong đợi này có thể vô tình đặt áp lực lên chính bản thân cha mẹ và con nếu cha mẹ muốn “ép nhanh”. Khi nhận ra con thuộc trẻ đặc biệt, bố mẹ không nên nóng lòng, càng không thể buông tay, phó mặc cho người khác. Can thiệp trẻ đặc biệt giống như “mưa dầm thấm lâu”, càng dầm dề càng tốt.
Với trẻ bình thường thì nói 1 hoặc 2 lần là có thể nắm bắt được, nhưng với trẻ đặc biệt thì có khi phải nhắc lại một từ đơn giản nhiều lần thì trẻ mới có thể nắm được. Nói một cách thực tế, cha mẹ cần chuẩn bị về tài chính, sức lực, tinh thần cho phù hợp. Với trẻ nhỏ, cần can thiệp sớm, can thiệp cá nhân càng tích cực và càng nhiều càng tốt.
Với trẻ lớn hơn, nên duy trì can thiệp cá nhân một cách phù hợp với năng lực, nhu cầu và phong cách học tập của trẻ và điều kiện của gia đình. Khi trẻ đến tuổi và đủ khả năng đi học hòa nhập hoặc bình thường, nên tham khảo ý kiến các chuyên gia để xem lợi ích (hay không) khi con mình ngồi học cùng với bạn khác, liệu trẻ có học được không, có hòa nhập, tương tác với người khác được không?
Ở Học viện Phát triển Ngôn Ngữ Speech, song song với việc phát triển các kỹ năng xã hội, khó khăn trong học tập cho trẻ đặc biệt, Speech còn chú trọng phát triển thế giới nội tâm của trẻ (cảm xúc, ý chí). Trẻ đặc biệt vẫn luôn cần được quan tâm về cảm xúc, khi trẻ cảm nhận đầy đủ sự quan tâm, yêu thương và thấu hiểu từ người khác, trẻ cảm thấy nhu cầu của mình được thỏa mãn, những điều này sẽ khuyến khích trẻ muốn tương tác và giao tiếp với mọi người xung quanh.
Để chọn được một nơi trị liệu thật sự tốt, cải thiện tình trạng và hòa nhập cho trẻ, cha mẹ cần chú ý 5 yếu tố quan trọng:
+ Chất lượng đội ngũ chuyên gia
- Trình độ chuyên môn: Người được đạo tạo về các rối loạn ở trẻ và các phương pháp hỗ trợ một cách bài bản;
- Kinh nghiệm: Thời gian thực hành công việc can thiệp, hỗ trợ trẻ trong một thời gian, ít nhất là 2 năm.
- Tinh thần trách nhiệm, tận tâm: Lấy sự phát triển của trẻ làm trung tâm, thực hiện các bước tư vấn cha mẹ để giúp trẻ được hỗ trợ tốt nhất.
+ Phương pháp giáo dục: Hiện nay có hàng trăm phương pháp và cách thức can thiệp trẻ đặc biệt khác nhau, hầu hết đều chưa được chứng minh về hiệu quả. Mỗi đứa trẻ đều là độc nhất, vì vậy cho nên cũng không có một công thức chung cho tất cả các trẻ. Thực tế cho thấy không có phương pháp nào có hiệu quả cho mọi trẻ, hay xử lý được tất cả các vấn đề của một trẻ. Mỗi phương pháp có xu hướng tập trung vào một hoặc một vài lĩnh vực suy yếu của trẻ, do đó phương pháp nào cũng có điểm mạnh và yếu.
Tuy vậy, các phương pháp dựa trên cơ sở phân tích hành vi ứng dụng (ABA, ABA-UCLA, VBA, TEACCH, PRT) tỏ ra vượt trội trong việc dạy kỹ năng và ngôn ngữ cho trẻ. Các phương pháp tập trung vào sự phát triển cá nhân, mối quan hệ, cảm xúc (ví dụ RDI, Floortime) được các gia đình ưa chuộng trong việc phát triển về cảm xúc, mối liên hệ, sự linh hoạt.
+ Cơ sở vật chất: Cơ sở vật chất phải đảm bảo cho hoạt động trị liệu toàn diện đối với trẻ. Không gian rộng rãi, yên tĩnh, thoáng mát. Dụng cụ dạy học và đồ chơi trị liệu phong phú đa dạng.
+ Sự tin tưởng của cha mẹ đối với trung tâm: Rất khó để cha mẹ và trung tâm kết hợp cùng hỗ trợ trẻ nếu cha mẹ chưa thực sự tin tưởng vào chuyên gia (hoặc trung tâm). Điều này thoạt đầu có vẻ nhìn đơn giản nhưng nếu tình trạng mơ hồ, hoài nghi của cha mẹ kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình cả hai bên cùng kết hợp để hỗ trợ trẻ.
Vì vậy, cha mẹ nên tìm chọn trung tâm uy tín và trao đổi chi tiết về chuyên môn của chuyên gia và các phương pháp mà họ sẽ sử dụng, thận trọng với những đánh giá mang tính đánh bóng tên tuổi của một số trung tâm.
+ Chính sách của trung tâm dành cho trẻ và cha mẹ: Quá trình can thiệp trẻ luôn cần được đánh giá lại sau một thời gian trị liệu để có kế hoạch can thiệp phù hợp với sự phát triển của trẻ, thời gian đánh giá lại có thể là 3 tháng hoặc 6 tháng. Cuối cùng, điều không kém phần quan trọng chính là tính bảo mật thông tin. Một trung tâm kính nghiệp trong lĩnh vực tâm lý học chính là một trung tâm thực hiện nguyên tắc bảo mật thông tin của gia đình và trẻ.
Học viện Phát triển Ngôn ngữ Speech tự tin đáp ứng được hết tất cả 5 yếu tố trên:
- Đội ngũ chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc hỗ trợ can thiệp trẻ có các rối loạn đặc biệt ở bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh;
- Phương pháp giáo dục kết hợp phù hợp với từng trẻ;
- Cơ sở vật chất chất lượng cao, an toàn vệ sinh chuẩn quốc tế;
- Cha mẹ của trẻ được tham gia học cùng trẻ, chứng kiến cách chuyên gia chơi cùng trẻ. Chuyên gia tư vấn riêng cho cha mẹ cách can thiệp trẻ tại nhà;
- Đánh giá và đưa ra kế hoạch can thiệp phù hợp với trẻ. Tôn trọng tính bảo mật thông tin.
Học viện Speech đáp ứng đầy đủ 5 yếu tố của một trung tâm can thiệp trẻ đặc biệt chất lượng
Speech với đội ngũ chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tư vấn cho cha mẹ đang trong quá trình nuôi dạy trẻ đặc biệt, chúng tôi luôn muốn chia sẻ những kinh nghiệm cho cha mẹ, giúp cha mẹ tìm ra điều tốt nhất có thể làm cho con, từ đó cuộc sống của cả gia đình và trẻ trở nên dễ dàng hơn, trẻ sớm thích ứng với xã hội. Chúng tôi luôn ở đây và đồng hành cùng bạn trên chuyến hành trình này, giúp con bạn phát triển khả năng toàn diện (cảm xúc, ngôn ngữ, hành vi, tính xã hội, tính tự lập).
Cha mẹ có thể xem xét những yếu tố trên là những yếu tố giúp đánh giá một trung tâm có chất lượng hay không. Ngoài những yếu tố kể trên, việc chọn cơ sở, trung tâm cho con còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng gia đình. Nhưng điều quan trọng mà cha mẹ nên nhớ: Chỉ nơi nào có sự tôn trọng cha mẹ, đội ngũ chuyên môn có tư duy mở rộng để tiếp thu tri thức mới, không bảo thủ, không giấu nghề, chịu khó cập nhật thông tin mới là nơi tốt cho can thiệp trẻ đặc biệt.
Nuôi dạy trẻ đặc biệt chưa bao giờ là dễ dàng, nếu bạn là một người cha, người mẹ nuôi dạy trẻ đặc biệt, bạn thật sự rất mạnh mẽ và can đảm. Học viện Phát triển Ngôn ngữ Speech luôn trân trọng những nỗ lực của cha mẹ nuôi dạy trẻ đặc biệt.
Pingback: CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ Ở TRẺ SƠ SINH ĐẾN 16 TUỔI